5 dấu hiệu nhận biết của bệnh cao huyết áp

5 dấu hiệu nhận biết của bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp là nguyên nhân của nhiều loại bệnh nguy hiểm, thậm chí còn gây biến chứng đột quỵ. Hiểu về những dấu hiệu của bệnh có thể giúp bạn phát hiện và điều trị kịp thời căn bệnh nguy hiểm này. Bài viết dưới đây sẽ trình bày cho bạn về 5 dấu hiệu nhận biết không thể bỏ qua của bệnh cao huyết áp.

Trước khi đến với 5 dấu hiệu nhận biết của bệnh cao huyết áp người bệnh cần tìm hiểu về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này!

Cao huyết áp nguy hiểm như thế nào?

Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là căn bệnh xảy ra khi áp lực máu tác động lên thành động mạch cao hơn mức cho phép trong thời gian dài.

Đây là một căn bệnh rất phổ biến hiện nay, theo WHO trên thế giới có khoảng 1,13 tỷ người đang mắc bệnh cao huyết áp. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà nó còn là gánh nặng đối với nền kinh tế và sự phát triển của xã hội.

Tăng huyết áp chủ yếu được gây ra bởi yếu tố tuổi tác và do thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến căn bệnh này có thể được kể đến đó là:

  • Hút thuốc lá và sử dụng rượu, bia
  • Tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều muối
  • Thừa cân, béo phì
  • Không hoạt động thể chất
  • Yếu tố tuổi tác
  • Do di truyền
  • Mắc các bệnh lý nền

Bệnh cao huyết áp rất nguy hiểm, nó là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn thế giới. Nếu tăng huyết áp không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:

  • Xơ cứng thành mạch
  • Nhồi máu cơ tim
  • Thiếu máu não
  • Suy thận
  • Đột quỵ
  • Tiểu đường
  • Suy giảm thị lực

Những dấu hiệu nhận biết bệnh cao huyết áp

Bệnh tăng huyết áp được xem như một “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó diễn ra âm thầm và gần như không có dấu hiệu nhận biết trong giai đoạn đầu. Nhiều bệnh nhân không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng. Khi bị tăng huyết áp kéo dài bạn thường có thể gặp 5 dấu hiệu sau đây:

Đỏ bừng mặt

Dấu hiệu đỏ mặt xảy ra khi các mạch máu trên mặt giãn ra. Thông thường triệu chứng này xảy ra báo hiệu bạn đang bị tăng huyết áp tạm thời do gặp phải các tác nhân kích thích. Những yếu tố như sử dụng rượu, bia, thực phẩm cay nóng, tập thể dục hoặc thậm chí là căng thẳng thần kinh đều có thể gây tăng huyết áp tạm thời gây đỏ mặt.

Đặc biệt với những người bị đỏ bừng mặt ngay sau khi uống rượu. Bởi nó báo hiệu chứng không dung nạp rượu và là nguyên nhân của bệnh cao huyết áp do rượu.

Chóng mặt

Tăng huyết áp gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu do sự hình thành các cục máu đông bên trong thành mạch. Lúc này những cơn chóng mặt đột ngột xảy ra báo hiệu căn bệnh này. Nếu bạn thường xuyên bị chóng mặt, mất thăng bằng kèm theo đi lại khó khăn thì bạn cần thực hiện kiểm tra sức khỏe để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.

Xuất hiện các tia máu trong mắt

Bệnh tăng huyết áp làm vỡ các mạch máu bên trong kết mạc và gây xuất huyết kết mạc từ đó hình thành những vệt đỏ bất thường. Với người bị huyết áp cao trong một thời gian dài nếu không được điều trị sẽ xuất hiện những tia máu đỏ trong mắt.

Cùng với đó là sự suy giảm của thị lực. Bên cạnh xuất huyết kết mạc, mờ mắt và mỏi mắt cũng là triệu chứng báo hiệu căn bệnh này.

Đau đầu

Đau đầu là một triệu chứng khá phổ biến của bệnh cao huyết áp đặc biệt ở người trên 50 tuổi. Bệnh nhân thường gặp phải những cơn đau đầu vào thời điểm đêm muộn và sáng sớm. Tùy vào tình trạng bệnh mà mức độ tiến triển của cơn đau cũng khác nhau. Cơn đau đầu kéo dài khi huyết áp quá cao và sẽ giảm đi khi huyết áp của bạn hạ xuống.

Chảy máu cam

Huyết áp cao làm tổn thương và vỡ các mạch máu nhỏ ở mũi gây chảy máu mũi. Bệnh nhân mắc cao huyết áp lâu ngày hoặc khi bị khủng khủng hoảng tăng huyết áp đều gây chảy máu cam. Khi gặp triệu chứng này, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây đột quỵ và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Như đã nói ở trên, trong giai đoạn đầu bệnh tăng huyết áp gần như không biểu hiện bệnh. Do vậy để bảo vệ sức khỏe, việc đo huyết áp thường xuyên là điều rất cần thiết. Dưới đây là cách đọc chỉ số huyết áp khi chúng ta thực hiện đo huyết áp tại nhà.

Chỉ số khi đo huyết áp

Ngày nay việc đo huyết áp trở nên vô cùng dễ dàng. Bạn có thể thực hiện đo huyết áp tại cơ sở y tế hoặc ngay tại nhà. Tuy nhiên nhiều người khi đo huyết áp tại nhà không thực sự hiểu về những thông số trên máy đo huyết áp.

Giá trị huyết áp bao gồm 2 thông số xác định được đo bằng đơn vị milimet thủy ngân (mmHg):

  • Huyết áp tâm thu (số đầu tiên): cho biết giá trị của áp lực máu tác động lên thành động mạch khi tim đập.
  • Huyết áp tâm trương (số thứ 2): cho biết áp lực máu tác động lên thành động mạch trong khi tim đang nghỉ giữa các nhịp đập.

Ví dụ: Giá trị huyết áp của một người là 140/90 mmHg. Điều đó có thể hiểu huyết áp tâm thu là 140 mmHg và huyết áp tâm trương là 90 mmHg.

Thông thường người ta quan tâm nhiều hơn đến huyết áp tâm thu do nó cảnh báo nguy cơ gây tim mạch ở người trên 50 tuổi. Huyết áp tâm thu tăng dần theo sự gia tăng của tuổi tác do độ cứng của động mạch tăng. Tuy nhiên cả 2 chỉ số đều được dùng để chẩn đoán cao huyết áp.

Thông thường một người khỏe mạnh khi huyết áp tâm thu từ 90-140 mmHg và huyết áp tâm trương từ 60-90 mmHg.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *