7 nhóm thuốc điều trị cholesterol cao bạn nên biết

7 nhóm thuốc điều trị cao mỡ máu hiện nay

Với những người mắc bệnh cholesterol cao, việc tìm ra giải pháp điều trị căn bệnh này đã trở thành nỗi băn khoăn lớn. Một lối sống lành mạnh với thói quen tập thể dục và chế độ dinh dưỡng hợp lý là một yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả chữa trị cholesterol cao. Tuy nhiên chỉ như vậy là không đủ, các bệnh nhân thường được đề nghị dùng thuốc để điều trị cholesterol cao. Dưới đây là 7 nhóm thuốc điều trị cholesterol cao thường được bác sĩ khuyên dùng mà bạn nên biết.

Nhóm thuốc statin

Statin làm giảm sản xuất cholesterol trong gan và giúp loại bỏ cholesterol dư thừa khỏi mạch máu. Statin hiệu quả trong việc làm giảm cholesterol xấu là LDL-cholesterol và triglycerid, đồng thời làm tăng nhẹ cholesterol tốt HDL-cholesterol.

Các loại thuốc thuộc nhóm statin bao gồm:

  • Atorvastatin (Lipitor)
  • Fluvastatin (Lescol XL)
  • Lovastatin (Altoprev)
  • Pitavastatin (Livalo)
  • Pravastatin (Pravachol)
  • Rosuvastatin (Crestor)
  • Simvastatin (Zocor)

Statin được chống chỉ định đối với bệnh nhân mắc các bệnh về gan và phụ nữ mang thai. Khi dùng thuốc bạn không nên uống nước bưởi để tránh làm tăng sinh khả dụng thuốc gây tăng khả năng mắc các bệnh về cơ.

Các tác dụng phụ không mong muốn của statin đối với người bệnh bao gồm: đau cơ, táo bón, buồn nôn, tiêu chảy và gây đau dạ dày.

Nhựa gắn acid mật (nhóm resin)

Nhóm thuốc nhựa gắn acid mật gián tiếp làm giảm cholesterol bằng cách liên kết với acid mật ngăn không cho mật được hấp thụ trong quá trình tiêu hóa. Điều này thúc đẩy gan sử dụng cholesterol dư thừa để tạo ra nhiều mật hơn và làm giảm nồng độ  cholesterol trong máu của bạn.

Nhóm này bao gồm các thuốc:

  • Cholestyramine (Prevalite)
  • Colesevelam (Welchol)
  • Colestipol (Colestid)

Resin được chống chỉ định với những bệnh nhân gặp vấn đề về gan hoặc túi mật.

Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc bao gồm: táo bón, đầy bụng, buồn nôn, đầy hơi và ợ chua.

Nhóm thuốc ức chế hấp thụ cholesterol

Thuốc ức chế hấp thụ cholesterol giúp làm giảm cholesterol máu bằng cách hạn chế sự hấp thu cholesterol tại ruột non. Nhìn chung công dụng của thuốc ức chế hấp thụ cholesterol có công dụng tương tự với nhóm thuốc statin, đều làm giảm LDL-cholesterol và triglycerid, đồng thời làm tăng nhẹ HDL-cholesterol.

Thuốc ức chế hấp thụ cholesterol được biết đến là Ezetimibe (Zetia).

Thuốc thuộc nhóm này chống chỉ định với đối tượng là bệnh nhân mắc các bệnh về gan và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Tác dụng phụ phổ biến của thuốc bao gồm mệt mỏi, đau cơ và đau dạ dày.

Nhóm thuốc fibrates

Fibrates có thể được sử dụng riêng hoặc kết hợp với các loại thuốc khác. Chúng giúp cải thiện cholesterol bằng cách giảm chất béo trung tính và tăng HDL-cholesterol.

Thuốc thuộc nhóm này gồm:

  • Fenofibrate (Antara, Lipofen, các loại khác)
  • Gemfibrozil (Lopid)

Những người có vấn đề về thận, bệnh túi mật hoặc bệnh gan được chỉ định không nên sử dụng fibrates.

Các tác dụng phụ có thể bao gồm: táo bón, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu, đau bụng. Khi dùng chung fibrat với statin có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về cơ.

Nhóm thuốc niacin

Thuốc niacin hay còn được gọi là vitamin B-3, có thể giúp cải thiện cholesterol bằng cách tăng HDL-cholesterol và giảm mức LDL-cholesterol và chất béo trung tính. Khi được sử dụng kết hợp với statin, niacin có thể làm tăng mức HDL-cholesterol lên 30% hoặc hơn. Mặc dù bạn có thể mua niacin mà không cần bác sĩ kê đơn, nhưng liều lượng mua không theo đơn không có hiệu quả trong việc điều trị cholesterol cao. Do tác dụng phụ, niacin hiện nay thường được dành cho những người không thể dung nạp liệu pháp statin.

Các thuốc thuộc nhóm niacin gồm:

  • Niacor
  • Niaspan
  • Slo-Niacin

Những người bị bệnh tiểu đường nên tránh dùng niacin, vì thuốc có thể làm tăng lượng đường trong máu.

Ngoài ra, các tác dụng phụ khác kể đến bao gồm: đỏ bừng mặt và cổ, ngứa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, vàng da, tăng nồng độ men gan, loét dạ dày, cảm giác ngứa ran ở chân và bàn chân.

Nhóm acid béo omega-3

Nhóm axit béo omega-3 có thể được sử dụng để điều trị với bệnh nhân có nồng độ triglyceride máu rất cao (trên 500 ml / dL). Axit béo omega-3 cũng có sẵn dưới dạng chất bổ sung, nhưng với liều lượng thấp hơn.

Chúng làm giảm chất béo trung tính và có thể làm tăng HDL-cholesterol.

Nhóm này gồm các thuốc:

  • Thuốc bổ sung axit béo omega-3 theo toa (Lovaza)
  • Icosapent ethyl (Vascepa)

Thuốc cũng có các tác dụng phụ như: ợ hơi, đau lưng, đau bụng, phát ban da và một số triệu chứng khác giống với bệnh cảm cúm.

Nhóm chất ức chế PCSK9

Chất ức chế PCSK9 là kháng thể đơn dòng và là một loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị những người có cholesterol cao. Chúng giúp giảm cholesterol bằng cách nhắm mục tiêu và bất hoạt protein PCSK9. Protein PCSK9 làm giảm số lượng các thụ thể loại bỏ LDL-cholesterol ra khỏi máu và làm cơ thể dư thừa cholesterol. Khi PCSK9 bị vô hiệu hóa bởi chất ức chế PCSK9, sẽ có nhiều thụ thể giúp loại bỏ LDL-cholesterol khỏi máu. Kết quả là, mức cholesterol giảm xuống.

Các chất ức chế PCSK9 đó là:

  • Alirocumab (Praluent)
  • Evolocumab (Repatha)

Với bệnh nhân cholesterol cao đồng thời mắc những bệnh về tim và khó kiểm soát cholesterol bằng những loại thuốc khác thì thuốc thuộc nhóm này chính là một giải pháp hữu hiệu.

Tuy nhiên, 2 loại thuốc trên đều cần được tiêm hai đến bốn tuần một lần và có thể gây bất tiện cho nhiều người. Các tác dụng phụ cũng có thể xảy ra như: ngứa, sưng đau hoặc bầm tím tại chỗ tiêm, phát ban, nổi mề đay, hay các phản ứng dị ứng khác.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *